Khách lên xe nằm điều hòa mát lạnh, ai làm việc nấy, chẳng mấy người quan tâm tài xế có tuân thủ quy định về số giờ chạy xe hay không? Ảnh: Khánh Linh |
Có sức thì lái...
Ngay từ chiều, khi xuất bến Giáp Bát (Hà
Nội), tôi đã thấy Dũng Bi vừa lái vừa điện thoại điểm mặt những xe đang
cùng chạy trên tuyến để căn đường bắt khách. Chiếc Universe trị giá
khoảng hơn 3 tỷ đồng đi như rùa bò chỉ để không sót bất cứ khách nào
đứng vẫy trên đường. Cậu có vẻ vui khi liếc sang danh sách phụ xe cầm
trên tay đã hơn 20 khách. “Thế là không móm rồi anh ạ” - Dũng tếu táo -
“Đủ khách là em vọt để kịp giờ về bến”.
Chạy hơn 3 tiếng được khoảng 80km, xe
vào nghỉ ăn tối. Dũng Bi không uống rượu. Tôi hơi ngạc nhiên. Bởi đi lại
nhiều lần lên phía Bắc, ghé quán Doanh Doanh hay Đông 9, luật bất thành
văn là chủ quán lo đồ ăn cho tài xế xe khách, lúc nào cũng có rượu bia
nhâm nhi. Tất nhiên, là không nhiều nhưng cũng đủ để thêm buồn ngủ khi
đêm xuống, đường vắng. Tôi bỗng chợt nhớ đến T. Đen, một tài xế khá nổi
thời điểm 2010 trở về trước chạy xe County đi Tây Bắc. Chả cần ai thay
ca, bác T cứ một mạch chạy từ Điện Biên xuống đến Hát Lót, Sơn La hết
6,7 tiếng lại vào quán làm cút rượu trắng, nghỉ chút lại quay đầu về Hà
Nội.
Xe ngược dốc Cun, Dũng Bi tâm sự: “Đường
từ đây lên đến Sơn La khá xấu, mùa mưa nhiều đoạn trơn trượt. Qua Thung
Khe, Thung Muối, Đồng Bảng, Mộc Châu, Chiềng Đông... chỉ cần chủ quan
là ăn đòn ngay”.
23h, xe dừng tăng nữa tại Mộc Châu. Nghỉ
chốc lát, Dũng Bi lại ôm vô lăng dù vừa chạy quá 4 tiếng. Thấy tôi thắc
mắc, cậu nói: “Em ngủ hai ngày ở Hà Nội, giờ chạy tẹt ga không vấn đề
gì. Hơn nữa cũng chẳng có ai xem chạy mấy tiếng đâu mà anh. Đến cái thiết bị định vị giám sát hành trình từ hồi lắp đến giờ cũng chả ai kiểm tra”.
2h sáng, đến TP Sơn La, Dũng mới dừng đổi lái cho tài phụ tên Trọng chạy
tiếp 3 tiếng nữa đến TP Điện Biên. Suốt 12 tiếng, cũng có lúc đường
vắng, tài xế phóng khá nhanh nhưng tôi chả hề nghe thấy một tiếng cảnh
báo nào phát ra từ hộp đen. Qua 4 địa phương, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La,
Điện Biên, xe của Dũng cũng chả gặp sự kiểm tra, kiểm soát nào của các
lực lượng chức năng.
Tạt vào quán mà các tài xế hay tụ tập
chờ quay đầu xe về Hà Nội, tôi dè dặt hỏi thăm “món” giám sát tốc độ của
hộp đen có gây áp lực gì với họ không. Tất cả ồ lên: “Trên đường quá
nhiều biển báo, lúc chỉ được chạy 40, lúc 70 km/h, thiết bị nào đo kịp.
Thường thì họ chỉ cài 1 tốc độ nào đó, vượt thì hộp đen phát ra tiếng
cảnh báo. Mà nó kêu bíp bíp khó chịu lắm, chúng tôi toàn bịt đi cho khỏi
bị nhức đầu”.
Nhãn tiền nguy cơ TNGT…
Thống kê của CSGT các tỉnh Sơn La, Điện
Biên, năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 cho thấy, đã có hàng chục vụ TNGT
liên quan đến xe khách chạy đêm, 1/3 trong số đó gây chết người.
Trung tá Cao Thanh Bình, Đội trưởng Đội
CSGT huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “QL6 qua Thuận Châu dài 50km là
đoạn đường đẹp nhất, xe từ Điện Biên sau khi xuống đèo Pha Đin thường
tranh thủ chạy nhanh để tranh giành khách. Xe từ Hà Nội lên thấy đường
đẹp, vắng nên hay chạy nhanh. Đường đẹp hóa ra lại hay tai nạn.”
Còn theo Thượng tá Bạc Cầm Dân, Phó
trưởng Phòng CSGT tỉnh Điện Biên thì bên cạnh việc cạnh tranh giữa các
nhà xe để kiếm khách, còn một điều đáng lo ngại nữa là chưa có giải
pháp nào để quản lý được đội ngũ lái xe này ăn, ngủ, nghỉ và điều khiển
phương tiện theo thời gian quy định. Trong khi đó đường đi chủ yếu đèo
dốc, cong cua, xe đi đêm đường vắng, lái xe hay chủ quan.
Ông Tống Duy Kim, Phó giám đốc Sở GTVT
tỉnh Điện Biên thừa nhận: “Các doanh nghiệp trên địa bàn lắp thiết bị GSHT chỉ mang tính hình thức và đại đa số đều không có bộ phận chuyên
trách theo dõi hoạt động của các phương tiện một cách chặt chẽ để có chế
tài, biện pháp xử lý kịp thời. Nhiều đơn vị vận tải chỉ có 3, 4 xe nên
họ không bố trí bộ phận theo dõi ATGT hay làm công tác kiểm tra giám
sát”.
Rõ ràng câu chuyện trên tuyến vận tải
khách Hà Nội - Điện Biên là một minh chứng cho thấy để vận tải an toàn
thì cơ quan quản lý phải tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh
để các doanh nghiệp không phải tìm mọi giá để có lợi nhuận, kể cả việc
bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về an toàn. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát
phải rõ ràng, xử phạt vi phạm phải nghiêm minh. Ý thức của doanh nghiệp,
của tài xế chỉ thay đổi khi họ phải chịu trách nhiệm, chịu hậu quả về
chính những hành vi vi phạm của mình.
Ngay tại Công ty CP Xe khách Điện Biên, nơi có nhiều xe chạy đường
dài nhất tỉnh (34 đầu xe) thì người được giao theo dõi thiết bị giám sát
hành trình chỉ là cán bộ của phòng kế hoạch kiêm nhiệm. Thượng tá Bạc
Cầm Dân trước đó cũng cho biết: “Cho đến nay chưa có một đợt phối hợp
nào giữa lực lượng CSGT với Thanh tra hay đơn vị vận tải liên quan đến
kiểm tra và xử lý lái xe vi phạm thông qua thiết bị định vị oto giám sát hành
trình(!?)”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét